Hạn chế về logistics là rào cản lớn đối với thương mại

 Cơ sở hạ tầng logistics chưa phát triển và vấn đề tắc nghẽn đang gây khó khăn trong việc mở rộng thương mại giữa Bangladesh và Ấn Độ.

Ông Vikram Kumar Doraiswami, Cao ủy Ấn Độ tại Bangladesh cho biết, hạn chế về mặt logistics là rào cản lớn nhất đối với việc mở rộng thương mại giữa Bangladesh và Ấn Độ.

Xuất khẩu của Bangladesh sang Ấn Độ sẽ tăng mạnh nếu logistics được cải thiện. Ảnh: Lightcastle Partners

Cả hai nước đều tiến hành đẩy mạnh thương mại song phương thông qua biên giới Benapole – Petrapole. Điều này cơ bản tạo ra các lợi ích được hai bên trao đổi.

“Dù vậy, chi phí thương mại vẫn ở mức cao do vấn đề logistics”, ông Doraiswami nói. Bangladesh và Ấn Độ đang kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác và hướng tới hành trình trong 50 năm tới.

Cao ủy Ấn Độ nêu quan điểm, hai nước cần phải nhìn mối quan hệ thương mại theo hướng có lợi nhưng để điều đó xảy ra, cả hai bên cần phải xem xét đâu là vấn đề quan trọng. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Bangladesh trong giai đoạn 2018 – 2019 đạt 9,21 tỷ USD trong khi nhập khẩu lên tới 1,04 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia nhận định, xuất khẩu của Bangladesh sang Ấn Độ có thể cao hơn nhiều nếu cơ sở hạ tầng được cải thiện, các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm của họ và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn cao. Ngoài ra, Ấn Độ muốn có thêm nhiều trạm kiểm soát biên giới hoạt động tốt và sẵn sàng giúp đỡ về vấn đề này thông qua các dự án tài trợ.

Ông Doraiswami cũng đề xuất tăng cường sử dụng đường sắt cho thương mại vì đây là một phương thức vận tải rất hiệu quả về chi phí.

Khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra buộc cả hai quốc gia phải đóng cửa biên giới nối liền nhau vào năm ngoái, nhiều hoạt động thương mại được triển khai qua đường sắt. Thương mại song phương tăng vọt 130% vào thời điểm đó.

Bông chiếm khoảng 26% hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Bangladesh – nguyên liệu chính cho ngành may mặc. Hàng may mặc là mặt hàng xuất khẩu chính của Bangladesh sang các thị trường quốc tế, bao gồm Ấn Độ.

“Chúng ta nên cải thiện nhanh chóng logistics cho các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy. Chính phủ sẵn sàng chi tiền tài trợ cho các dự án để phát triển kho chứa container nội địa và cơ sở hạ tầng liên quan khác, từ đó có thể giúp giao thương dễ dàng và tiết kiệm chi phí”, ông Doraiswami nói thêm.

Bangladesh có tiềm năng tốt để xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, đồ da và một số sản phẩm khác sang Ấn Độ. “Để đẩy mạnh xuất khẩu, chúng ta phải giải quyết bằng cách đơn giản hóa hệ thống thanh toán”, Cao ủy Ấn Độ tại Bangladesh nhấn mạnh cần cải thiện vấn đề này. Bên cạnh đó, ông cũng nhắc đến sự cần thiết phải có một tiêu chuẩn chung về chất lượng thực phẩm.

Theo VnExpress.net