Phát triển logistics để giữ chân doanh nghiệp ngoại

 Đại dịch Covid-19 đã khẳng định vai trò logistics là ngành dịch vụ trọng yếu của nền kinh tế thông qua nhiều hoạt động.

Hội thảo “Nhận diện cơ hội và thách thức đối với sự phát triển ngành logistics TP HCM” do Hiệp hội Logistics TP HCM (HLA) tại TP HCM đã phác họa bức tranh tổng thể về lĩnh vực này cho các doanh nghiệp (DN).

Cần đầu tư, phát triển đúng hướng

Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch HLA, cho biết tình hình dịch bệnh trong nước, nhất là ở TP HCM, đang có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới do biến chủng mới nên tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục trong thời gian tới, có thể tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các DN tại Việt Nam.

Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường và có xu hướng lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và dịch vụ y tế an toàn. Để thu hút và giữ chân DN FDI, logistics được xem là một trong những yếu tố quan trọng cần được đầu tư và phát triển đúng mức.

“TP HCM là đầu tàu kinh tế của phía Nam và cả nước, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Với tình hình hiện nay, các DN logistics cần xác định rõ những cơ hội và thách thức trong năm 2021 và những năm tiếp theo với những kịch bản khác nhau để cùng phát triển logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố” – bà Phương tâm huyết.

Theo Cục Hải quan TP HCM, các doanh nghiệp logistics trong nước đóng góp hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và đóng góp rất ít cho hoạt động xuất nhập khẩu. Ảnh: TẤN THẠNH

Ở góc độ nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cũng nhìn nhận ngành logistics có ý nghĩa quan trọng đối với các DN bán lẻ. Tỉ trọng chi phí logistics đang chiếm đến 5% trên tổng doanh thu của DN bán lẻ hiện đại. Con số này là cực kỳ lớn so với mức lãi gộp chỉ hơn 10% của DN.

“Trong khi tại các nước phát triển, hệ thống logistics đã đi đến cấp độ 5 thì tại Việt Nam chỉ mấp mé ở cấp độ khởi điểm là 1, 2. Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số logistics. Cần phải có sự thay đổi nhanh chóng và phải quản trị sự thay đổi đó. Kiến nghị quy hoạch và định hướng chuyên môn hóa theo hướng chuyên sâu hơn, phải hình thành các vùng logistics của thành phố, từng vùng tập trung cho loại hàng hóa gì để các DN logistics và DN bán lẻ… tập trung để hợp lực tạo sức mạnh” – ông Đức kiến nghị.

Ngoài ra, theo ông, cần sự kết nối khu vực giữa TP HCM và các tỉnh, thành; quy hoạch logistics phải tương đồng với quy hoạch thương mại và công nghiệp; thúc đẩy đồng bộ các công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin để làm đòn bẩy công nghệ cho logistics. Cũng cần có sự đồng bộ về hạ tầng liên quan, coi logistics là một phần phát triển trong tổng thể chuỗi cung ứng.

Theo Báo Người lao động